GẶP GỠ

Thưa Hồng Y, có lần ngài nói, tin vào  Đức Giê-su Ki-tô cũng giúp con người mở mắt ra với thế giới. Đức tin đó chỉ cho họ thấy mọi chuyện được kiến tạo như thế nào, mọi sự liên quan với nhau ra sao. Ta có thể nhờ đức tin đó để sống tốt đẹp hơn không?

Những chặng đường sống quan trọng của ta hẳn không nằm trong tay ta. Ta không xác định được việc sinh việc tử của mình. Nhưng trách nhiệm của ta là phải tìm hiểu xem ta là ai, đâu là ơn gọi của mình, con đường nào mình sẽ đi. Đức tin Ki-tô giáo có thực sự giúp cá nhân có được những bước vươn lên không?

Đức tin hẳn không thay thế được nhận thức của mỗi người. Nó cũng không thay thế được việc học hỏi với và qua người khác suốt dọc dài lịch sử. Chúa không lấy đi nỗ lực của ta. Đức tin không phải là thứ thần dược hoá phép. Nhưng nó cho ta chìa khoá để ta có thể tự học. Để ta tự tìm hiểu mình và tự hỏi mình là ai.

Một cách tổng quát, con người luôn chỉ nhận ra mình nhờ người khác và qua kẻ khác. Chẳng ai nhìn ra mình, nếu họ chỉ trông vào mình, chỉ tự tìm cách đào lỗ thoát cho mình, tự vẽ hoạ đồ cho mình. Con người được sinh ra để thiết lập tương giao, để đi tới với người khác. Qua gặp gỡ kẻ khác, họ tìm ra ý nghĩa và trách nhiệm cuộc sống, thấy ra yêu sách và khả thể của cuộc sống.

Từ cấu trúc nền tảng của cuộc sống đó, ta mới hiểu được đức tin và cuộc gặp gỡ với  Đức Giê-su. Đức tin không đơn giản là một hệ thống kiến thức và thông tin, nhưng tâm điểm của nó trước hết là gặp Đức Ki-tô. Có gặp Ngài, mới hiểu được lời Ngài. Câu nói của tôi trên kia cũng chỉ muốn nói lên rằng, trong muôn vàn cuộc gặp mà ta cần, cuộc gặp Đức Ki-tô là đích thực và quyết định nhất. Mọi cuộc gặp gỡ khác không nói cho ta hay ta từ đâu tới và sẽ đi về đâu. Gặp Ngài, ta gặp được ánh sáng để có thể hiểu ra Thiên Chúa, con người, thế giới, sứ mạng và ý nghĩa cuộc sống – và hiểu ra được dây mơ rễ má của mọi gặp gỡ khác.

HOANG ĐỊA

Lời dạy của  Đức Giê-su Ki-tô được các tông đồ gọi là “đường mới”. Con đường mới này khởi đầu từ lúc  Đức Giê-su nhận phép rửa nơi hoang địa. Đó có thể nói là trạm cuối cùng trước khi Ngài bước ra công khai để tiến về khổ nạn. 40 ngày trong hoang địa – đây cũng lại là một biểu tượng?

Con số 40 thật ra là một biểu tượng quan trọng. Cả tiên tri Ê-li-a, chẳng hạn, cũng cần 40 ngày để tới núi thánh. Quãng thời gian đó luôn được dùng để nói về thời gian học hỏi, chuẩn bị, trưởng thành. Thời gian sa mạc là nguyên ảnh của Is-ra-en, qua đó dân này nhận ra được luật lệ và í muốn của Thiên Chúa, để nhờ đó chuẩn bị trở thành dân cưu mang những lời hứa của Ngài.

Với 40 ngày hoang địa,  Đức Giê-su một lần nữa nhắc lại 40 năm sa mạc của Is-ra-en. Có thể nói một lần nữa Ngài đi qua toàn bộ con đường lịch sử, để cũng nói cho ta hay, nếu ta không có thời gian để từ bỏ, để yên lặng, để bước ra và để gom góp sứ mạng lớn, thì ta không thể trưởng thành được. Ngài dùng nơi hoang địa thanh vắng để ăn chay và cầu nguyện. Một mặt, hình ảnh biểu tượng đó nói lên cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa, mặt khác, nó cũng nói lên nỗi hiểm nguy của trần thế. Đó là nơi không có sự sống, không có thức ăn, nơi cô đơn. Như thế, Ngài cũng bước qua toàn bộ sa mạc của nguy nan, của thất bại, của từ bỏ, sa mạc của đói khát. Ngài đồng thời mặc lấy những cám dỗ của nhân loại, khổ đau với họ, để từ đó đưa ra những lời, những sứ điệp cao cả.

Sau 40 ngày ăn chay Ngài bị quỷ cám dỗ. Thoạt tiên, Sa-tan muốn Ngài biến đá thành bánh mì. Tay Sa-tan này quả ngớ ngẩn!

Câu chuyện này nói lên những chương trình đối lập, những chước cám dỗ mà đấng cứu thế Giê-su phải trải qua trong ba năm rao giảng, và những cám dỗ liên tục trong lịch sử Giáo Hội. Một chỗ khác  Đức Giê-su cũng đã nói: “Anh em đã đứng vững với thầy trong các cám dỗ của thầy”. Và Ngài nói với Phê-rô: “Này đây anh Sa-tan, hãy trao những cám dỗ đó cho thầy”. Cả đám đông năm ngàn người no nê cũng tạo cám dỗ cho Ngài, họ muốn tâng Ngài lên làm vua, nghĩa là làm ông chủ cung cấp thức ăn của uống cho họ. Đó là những thứ mà chúng ta sẽ luôn gặp dưới nhiều hình thức và luôn phải thắng vượt trên con đường theo Chúa và cả trong Giáo Hội.

Ngài muốn nói gì với điều đó?

Tôi muốn nói, chẳng hạn như nhu cầu phải cải tạo trật tự xã hội thế giới và tạo lập một nhà nước lý tưởng. Giáo Hội rất cần phải chung tay vào việc cải tạo xã hội, nhưng việc cứu độ con người đích thật phải đến từ trong, chứ không phải từ cơ cấu bên ngoài. Và cho dù trong mọi thời Giáo Hội phải quan tâm tới nỗi đói khát của con người, và phải tìm mọi cách để có những bàn tay tăng gia của ăn cho họ, Giáo Hội vẫn luôn phải nhớ rằng, mình không phải là một tổ chức xã hội, chỉ biết quan tâm tới vật chất, coi đó là việc giải thoát con người đích thực. Không. Giáo Hội không được quên rằng, con người không chỉ sống bằng bánh, mà còn bằng lời Chúa nữa.

Hai cám dỗ khác cũng thế. Quỷ thách thức, bảo  Đức Giê-su nhảy từ nóc đền thờ xuống, để xem Ngài có phải là Chúa thật không. Và cuối cùng là chước cám dỗ ghê gớm về quyền lực, làm chủ cả thiên hạ: “Hãy cầu tôi, tôi sẽ cho làm chủ thế giới”. Điều này muốn nói, việc cai trị thế giới qua quyền lực, dù là với mục đích thật lý tưởng, mà không tìm Chúa, thì việc cai trị kia sẽ làm hư con người.

Đã có nhiều cuộc thí nghiệm trong lịch sử, trong đó con người chối từ Chúa, và tìm cách tự mình và bằng qua những cơ cấu quyền lực tạo ra cho mình những thứ họ cần. Tất cả những thí nghiệm đó đưa tới đâu, đã rõ. Chúng luôn là tấm gương cho Giáo Hội và cho mỗi người: Ở đâu con người chối Chúa, ở đâu ta muốn tự mình thiết lập thế giới mà chẳng cần Chúa, ở đâu ta cho rằng thoả mãn nhu cầu vật chất mới là lối giải quyết đích thực, ở đó ta chẳng giải quyết được gì hết, mà trái lại ta phá hoại, ta thực hiện công trình của Sa-tan.

Sau kinh nghiệm ở hoang địa, các môn đệ đầu tiên tới với  Đức Giê-su. Họ hỏi Ngài: “Thưa Thầy, Thầy ở đâu?” Và Ngài trả lời thật ngắn gọn: “Tới mà xem”.

Vâng, cùng thử làm với nhau là điều cần thiết.  Đức Giê-su không ở một nơi cố định. Ngài ở trên đường, ở trong những bước đi trước. Chỉ khi ta theo Ngài, cùng Ngài lên đường, lúc đó ta mới học biết Ngài ở đâu. Và rồi ta cũng sẽ thấy Ngài. Nếu chỉ muốn hiểu Ngài và lời Ngài qua lí thuyết và suy luận, ta sẽ chẳng biết được Ngài.

Những môn đồ đầu tiên, mà  Đức Giê-su muốn biến họ thành “ngư phủ câu người”, là An-rê và Gio-an, sau đó tới Phê-rô, em An-rê. Điều lạ, quây quần quanh Ngài không phải những kẻ học thức, mà là những người ngay thẳng, đơn sơ. Họ không phải là những người đặc biệt khôn ngoan, không đặc biệt can đảm và tỉnh táo, và nếu không có hỗ trợ của Thánh Thần họ cũng chẳng biết giảng ra sao. Họ luôn vấp ngã bởi hồ nghi và không tin. Phải chăng  Đức Giê-su không biết chọn người?

Tất nhiên, đó không phải là những hạng người tự sức và trí mình mà đã có thể châm ngòi được một cuộc truyền giáo thế giới như thế. Nếu họ, như thánh Chrysostomos* nói, đã “thẩy được hạt xúc xắc lớn xuống”, thì đó là nhờ một nguồn lực nào khác. Vì thế, đối với tôi, xem ra việc chọn những người tầm thường, không phải những nhà chính trị hay trí thức, mang nhiều ý nghĩa. Rõ ràng, không phải tự sức họ. Họ được một đấng lớn hơn chạm tới, nâng đi và vạch đường chỉ lối.

Tuy nhiên, trong xã hội nhiều giai tầng thời đó, ta cũng có thể có được một cách xếp loại nào đó về các tông đồ. Một số trong họ là những tay chống Rô-ma cực đoan, như Si-mon thuộc phái Ze-lot chẳng hạn. Zelot là đảng muốn dùng bạo lực để giải phóng đất nước. Cả Giu-đa Is-ka-ri-ot cũng thuộc vào một đảng cùng khuynh hướng, tên gọi của ông nói lên điều đó. Đó là những người, nói theo ngôn ngữ ngày nay, thuộc phía cực tả. Họ sẵn sàng võ trang đấu tranh và họ cũng mong  Đức Giê-su làm theo họ. Mặt khác, ta có Lê-vi, cán bộ thâu thuế, dân nhà giàu, là kẻ đi với quyền lực, hợp tác với thực dân.

Nghĩa là có đồng cân lực lượng.

Có thể nói, khi triệu tập vòng tông đồ,  Đức Giê-su đã làm một cuộc hoà hợp. Mọi người từ mọi phía, từ mọi quan điểm có thể tới với Ngài hoặc bỏ Ngài. Như thế, trong nhóm môn đệ đó hẳn có thể có nhiều xung khắc.

Mặt khác, như anh nói, các tông đồ là những người đứng tuổi. Phê-rô có một hợp tác xã lưới cá, ông là một doanh nhân nhỏ. Đó là những người đứng trong thực tế cuộc sống, họ có cảm quan về cái thực tại, nhưng không ngụp lặn trong chủ nghĩa thực dụng. Họ có một ước vọng cao hơn. Họ không rơi vào một thứ mê hoặc nào đó, nhưng đã hết sức phục vụ ơn gọi của mình. Họ là tấm gương để ta hiểu rằng, Chúa dùng người tầm thường để làm những việc mà chỉ có Ngài mới làm được mà thôi, và cũng để ta hiểu rằng, có sự lớn lao trong những con người tầm thường.

Khác hẳn với các tông đồ theo Chúa xưa, con người ngày nay nghĩ rằng, họ có thể hoàn toàn tự mình vạch ra lối đi, đường sống cho mình. Họ cho rằng, chẳng có một bản sắc rõ rệt nào nữa cả. Cuộc sống là một chuỗi đổi thay ảo tưởng liên tục, tuỳ vào công việc đang có, tuỳ vào hoàn cảnh trước mắt - hoặc vào sở thích mỗi người. Họ bảo, trong thế giới tân tiến ngày nay chẳng còn sự lựa chọn : hoặc cái này hoặc cái kia, mà thay vào đó, ta có một khả năng lựa chọn mới: chẳng cái này mà cũng chẳng cái kia.

Ngày nay, uyển chuyển đã trở thành một từ quan trọng nền tảng. Chúng ta muốn có thể thích ứng được với các thách đố mới, và hi vọng nhờ việc thay đổi nghề nghiệp liên tục cũng sẽ leo thang xã hội một cách thật dễ, thật nhanh. Nhưng tôi nghĩ, trước sau vẫn có những nghề đòi hỏi con người rất nhiều. Chẳng hạn nghề thầy thuốc hay nghề giáo dục, đó không phải là những nghề giai đoạn, mà là ơn gọi, chúng đòi hỏi suốt cả cuộc đời mình. Nghĩa là, ngày nay cũng có những công việc không phải là việc làm phụ trội để kiếm thêm tiền sống. Tiêu chuẩn quyết định trong các ơn gọi thật sự cũng không phải là thu nhập, nhưng là thi hành một công tác phục vụ trong nhân loại.

 Đức Giê-su có thể sẽ nói thế nào về điểm này?

Ngài sẽ chẳng cấm ai muốn uyển chuyển thích ứng với các thách đố. Chính các tông đồ của Ngài cũng đã phải uyển chuyển bước ra khỏi cuộc đời chài lưới để cùng đi vào một con đường vô định và đầy bí ẩn – và cuối cùng đã thoát ra khỏi đạo Do-thái mà mình đã trầm mình trong đó, để dám bước ra rao truyền cho dân ngoại.

Đồng thời các ngài đã phải bền đỗ và trung thành trong sự chọn lựa nền tảng của mình. Vì vậy, ta không nên đặt uyển chuyển đối lập với trung thành. Ngay trung thành cũng phải chứng tỏ được sự bền đỗ của nó trong những hoàn cảnh đổi thay. Một người, sau năm mươi năm làm linh mục hay sống cuộc đời hôn nhân, hẳn phải trải qua một cuộc đời đầy biến đổi. Người đó phải trưởng thành trong mọi biến đổi và đưa bản sắc mình tới hoàn thiện.

Tiếc thay, trong hoàn cảnh tân tiến ngày nay, thường chỉ còn thay đổi vì thay đổi, uyển chuyển vì uyển chuyển mà thôi. Tôi chống lại quan điểm này. Chính hôm nay là lúc ta cần trung thành với một sứ mạng, với một nghề; chính hôm nay là lúc ta cần những người quên mình hoàn toàn. Ta hãy quay trở lại chuyện viện trợ phát triển. Cần có những người sẵn sàng bỏ ra hai, ba năm đi giúp kẻ khác, nhưng ta cũng cần có thật nhiều người biết quên mình. Có những ơn gọi đòi hỏi toàn thân con người.

Những mẫu sống mà tôi nói tới này không phải là chỉ dấu của sự thiếu sáng tạo hay đông cứng. Chính sự bền vững đó làm cho tâm hồn con người lớn rộng ra và trưởng thành lên, khiến cho đổi thay và liên tục tháp nhập vào nhau. Cái lớn đích thực nằm trong sự hoà quyện với nhau đó.

Về những mẫu sống ngài đã đề cập: Nhiều người nghĩ rằng đời họ như là một cuốn phim, tự họ có thể cắt xén, đạo diễn từng cảnh, từng đoạn. Thâm tâm họ tự bảo: Tại sao tôi lại phải đi vòng vòng, phải nỗ lực trong cuộc sống, phải tìm kiếm, phải tự hạn chế hay phải chịu đựng? Nghĩa là tại sao họ lại phải đi theo con đường khó khăn của các tông đồ đã đi với  Đức Giê-su xưa. Một cuộc sống thật đơn giản dễ dãi có phải hơn không?

Chỉ có những ai lớn lên trong bàn tiệc cuộc đời dư đầy mới có được một cuộc sống dễ dãi như thế. Đó là một tưởng tượng của những kẻ có của, những kẻ không hiểu rằng, đối với đa số con người, cuộc sống là cả một nỗi thử thách cam go. Vì thế, tôi coi việc tự biên tự diễn trên là ích kỉ và nó làm hao mòn đi các ơn gọi.

Ai bảo rằng, mình đã có đủ mọi thứ, vì vậy họ chỉ việc lấy những thứ đã có ra để tự thiết kế cho đời mình, kẻ đó sẽ không cho được cái họ có thể cho. Con người sinh ra, không chỉ để tự thiết kế nên mình, mà còn phải chấp nhận thử thách trong cuộc sống. Chúng ta tất cả nói chung cùng đứng trong một lịch sử và phải cần đến nhau. Vì thế, con người không nên chỉ nghĩ mình muốn gì, nhưng nhất thiết hơn, nên tự hỏi : mình tốt cho ai, mình có thể giúp ích được gì. Có như thế, họ mới thấy dễ dãi, thoải mái và buông thả không phải là những phương cách làm thoả mãn đời mình, nhưng sự thoả mãn nằm nơi việc sẵn sàng chịu thử thách, nằm nơi con đường hẹp. Mọi thứ còn lại, một cách nào đó, đều là buồn chán. Chỉ ai “bị trui trong lửa”, chỉ ai nhận ra được tiếng gọi, ơn gọi, một lý tưởng cần đáp ứng nơi mình, chỉ ai chấp nhận một sứ mạng cho toàn thể, kẻ đó mới có cuộc sống tràn đầy. Như đã nói, chúng ta trở nên giàu có, khi biết cho đi, chứ không phải khi nhận vào hoặc khi bước đi trên con đường rộng.